Tiêu thụ điện giảm mạnh, ngành điện điều chỉnh huy động nguồn

(Chinhphu.vn) - Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các tỉnh, thành phía nam thực hiện giãn cách xã hội nên hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều ngừng hoạt động sản xuất, dẫn tới mức tiêu thụ điện năng thương phẩm khu vực miền Nam liên tục giảm sâu và kéo theo thừa nguồn điện cục bộ, nguy cơ ảnh hưởng đến công tác an toàn hệ thống lưới điện và cung cấp điện.

(Chinhphu.vn) - Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các tỉnh, thành phía nam thực hiện giãn cách xã hội nên hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều ngừng hoạt động sản xuất, dẫn tới mức tiêu thụ điện năng thương phẩm khu vực miền Nam liên tục giảm sâu và kéo theo thừa nguồn điện cục bộ, nguy cơ ảnh hưởng đến công tác an toàn hệ thống lưới điện và cung cấp điện.

 

EVN đã có nhiều giải pháp kịp thời và thực hiện nghiêm các mệnh lệnh điều độ để vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia. Ảnh: VGP/Lê Nguyễn

Điện thương phẩm liên tục giảm sâu

Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tại 19 tỉnh, thành phía nam, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ tháng 6/2021 tới nay, có đến 60-70% DN tạm ngưng hoàn toàn hoạt động vì không đáp ứng được phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “2 điểm đến, 1 cung đường”, số DN còn lại hoạt động chỉ 30-40%, nhưng công suất chỉ được 30% bởi phải áp dụng quy định giãn cách, bảo đảm an toàn phòng chống dịch…

Tương tự, ngành dệt may tại các tỉnh, thành phía nam cũng có đến 90% DN tạm ngưng hoạt động, trong đó các các DN chủ yếu tập trung tại Đồng Nai, Bình Dương... Nên sản lượng sử dụng điện sẽ giảm mạnh vì những DN này không hoạt động hay giảm công suất.

Trong khi đó theo thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước, đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các hoạt động của tổng công ty, đặc biệt là thành phần công nghiệp, xây dựng… khi nhiều tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, kéo theo điện thương phẩm các tháng liên tục giảm sâu.

Chỉ tính riêng tháng 8/2021, tổng sản lượng điện thực hiện của tổng công ty chỉ đạt hơn 5,4 tỷ kWh, giảm 17% so với tháng 7 và giảm 16,09% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng giảm 26,3% (khoảng hơn 1 tỷ kWh) và lĩnh vực dịch vụ khách sạn, nhà hàng giảm 19,9% (giảm 37,2 triệu kWh)…

 

Bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia

Đến tháng 8/2021, miền Nam còn ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, mức tiêu thụ điện năng khu vực miền Nam vẫn đang suy giảm mạnh, dẫn đến tình trạng thừa nguồn điện cục bộ trên địa bàn tiếp tục tăng cao, nguy cơ ảnh hưởng đến công tác an toàn hệ thống lưới điện và cung cấp điện.

Theo đó, ngành điện đang phải cân đối việc huy động nguồn cung điện tại chỗ, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với nhu cầu sản lượng, phụ tải tại từng địa phương trong khu vực, nhằm góp phần bảo đảm an toàn cung cấp điện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và đời sống, sinh hoạt của người dân.

Mặt khác, mức độ tiêu thụ điện thương phẩm giảm sâu không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành điện miền Nam, mà công tác vận hành hệ thống lưới điện phải đối mặt với nhiều thách thức và tiềm ẩn thêm nhiều rủi ro, khả năng ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống lưới điện quốc gia.

Điều này buộc ngành điện phải tính toán tối ưu việc huy động sản lượng điện mua của các loại hình nguồn điện phù hợp với nhu cầu thực tế và mức suy giảm của sử dụng điện từ nay cho đến cuối năm, trong đó có nguồn năng lượng mặt trời mái nhà (NLMTMN).

Theo số liệu từ Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), tiêu thụ điện toàn quốc và miền Nam tiếp tục giảm thấp trong 2 tuần đầu của tháng 9/2021. Cụ thể, trên quy mô toàn quốc, tính trung bình ngày trong 2 tuần đầu tháng 9, mức công suất đỉnh của toàn quốc là hơn 29.700 MW, sản lượng toàn hệ thống điện quốc gia là 624,3 triệu kWh/ngày.

Căn cứ số liệu thống kê, mức tiêu thụ điện toàn quốc trong 2 tuần đầu tháng 9 vừa qua đã thấp hơn 24% so với trước khi bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội diện rộng từ giữa tháng 7; đồng thời cũng thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với riêng khu vực miền Nam, qua theo dõi các ngày vừa qua, phụ tải hệ thống điện vẫn tiếp tục ở mức rất thấp, hiện tại các biện pháp hạn chế hoặc giãn cách xã hội vẫn diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước dẫn đến phụ tải toàn hệ thống điện quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Cụ thể, sản lượng ngày trung bình bằng 79,1% (giảm hơn 65.2 triệu kWh/ngày) và công suất cực đại bằng 85,0% (giảm hơn 2400 MW) so với cùng kỳ năm 2020, nếu như so với giai đoạn trước giãn cách sản lượng giảm 101,5 triệu kWh/ngày và công suất giảm hơn 5.000-6.000 MW (tương đương 9-10 tổ máy nhiệt điện than công suất 600 MW). Với tình hình như vậy dẫn tới không thể huy động hết được lượng công suất của các loại hình nguồn điện, đặc biệt tại miền Trung và miền Nam.

Để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia khi tiêu thụ điện xuống thấp do nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, A0 và các Trung tâm điều độ miền đã và đang huy động các nguồn điện bám sát nhu cầu tiêu thụ điện của toàn quốc và từng khu vực. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện.

Việc chỉ huy điều độ cần phải bảo đảm phù hợp cơ cấu nguồn điện, công suất truyền tải giữa các vùng, miền, bảo đảm mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết... Các mệnh lệnh điều độ huy động nguồn điện trong hệ thống luôn thực hiện trên nguyên tắc minh bạch, rõ ràng, thực hiện đồng đều và không phân biệt giữa các loại hình nguồn điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng tiếp tục đề nghị Chủ đầu tư các đơn vị phát điện duy trì việc phối hợp chặt chẽ với A0 và các cấp điều độ trong việc thực hiện nghiêm các mệnh lệnh điều độ để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, nhất là khi mức độ tiêu thụ điện giảm thấp do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, để tránh quá tải hệ thống truyền tải 500 kV, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy, ổn định hệ thống điện quốc gia, A0 đã phát đi thông báo về việc huy động tối đa điện mặt trời mái nhà cho các Tổng công ty phân phối điện đến ngày 26/9. Nguyên tắc huy động nguồn thực hiện theo quy định của Bộ Công Thương.

Theo đó, tổng công suất điện mặt trời mái nhà huy động toàn quốc trong những ngày thường là 5.416 MW và ngày Chủ nhật là 3.645 MW. Riêng với EVNSPC, con số tương ứng không quá 3.687 MW và 2.481 MW. A0 cũng cho biết, công suất huy động tối đa được phân bổ theo tổng công suất đặt các nguồn điện mặt trời mái nhà (RT) của các dự án nối lưới trung áp và hạ áp, bao gồm các dự án trong và ngoài khu vực quá tải nội vùng.

Theo EVNSPC, các DN đầu tư điện mặt trời mái nhà để tự sử dụng và bán phần điện năng dư nhưng hiện không tiêu thụ tại chỗ (ngưng sản xuất chính), nên đã bán hết lên lưới điện, đây là một yếu tố góp phần gây đột biến sản lượng điện phải mua theo hợp đồng mẫu quy định tại Thông tư 18/2020/TT-BCT. Ngoài ra, các công trình ĐMTMN cũng phát điện sản lượng nhiều hơn do yếu tố thời tiết thuận lợi cho phát điện trong 8 tháng đầu năm 2021.

Lê Nguyễn

Link nội dung: https://asmes.org.vn/tieu-thu-dien-giam-manh-nganh-dien-dieu-chinh-huy-dong-nguon-a4635.html