Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải (phường 12, TP. Vũng Tàu) chế biến cá đục xuất khẩu. Ảnh: VÂN ANH |
Cầu nối giữa DN với chính quyền
Thông tin tại hội nghị, ông Bùi Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh cho biết: Năm 2021, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DNNVV. Có thời điểm, 70% DN bị tê liệt, ngừng sản xuất kinh doanh; 30% DN còn lại hoạt động cầm chừng, duy trì sản xuất mức độ thấp.
Hiệp hội đã phân công thường trực nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của DN. Qua đó, Hiệp hội kiến nghị, đề xuất lãnh đạo, chính quyền địa phương, Trung ương có giải pháp hỗ trợ. Nổi bật nhất là công tác bảo vệ quyền lợi của hội viên về chính sách thuế, đất đai, mặt bằng trong sản xuất kinh doanh.
Trong đó, riêng kiến nghị về giá cho thuê mặt bằng, Hiệp hội đã chuyển kiến nghị của 6 DN trong khối du lịch, chế biến hải sản, KCN đến UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. Ngoài ra, Hiệp hội còn kết nối các DN để cùng hỗ trợ nhau phát triển.
Bà Bùi Thị Thu Hà, Giám đốc Vietinbank, Chi nhánh BR-VT cho biết, là thành viên Hiệp hội, Vietinbank luôn dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho phân khúc DNNVV từ việc đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn ngân hàng. Đồng thời, đưa ra nhiều gói sản phẩm ưu đãi dành cho các DNNVV. Tính đến hết năm 2021, Vietinbank, Chi nhánh BR-VT đã thực hiện cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ hơn 100 tỷ đồng dư nợ đến hạn để giảm áp lực cho khách hàng, hỗ trợ giảm lãi suất trên tổng dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ 30 tỷ đồng.
Nhờ sự kết nối và động viên của Hiệp hội nên có những vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã được giải quyết kịp thời. Qua đó, giúp DN duy trì hoạt động sản xuất- kinh doanh.
Ông Đào Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải chia sẻ, DN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu nên tác động từ dịch bệnh càng lớn, bởi mạch cung ứng hàng hóa toàn cầu bị tắc nghẽn. Có giai đoạn, công ty phải lưu cả ngàn tấn hàng. Với một DN có toàn bộ nguồn vốn tư nhân thì việc giam hàng tồn kho là cả một thách thức lớn. Khi xuất hàng được, Tứ Hải lại gặp khó khăn về vận chuyển và giá cước. Đến nay, giá cước vận tải biển vẫn rất cao, thuê container rỗng không được hoặc đội giá lên gấp 5 lần.
Với sự nỗ lực của DN, cùng với sự động viên, sát cánh của Hiệp hội, DN đã có bước tăng trưởng tốt. Năm 2021, giá trị xuất khẩu của DN đạt 500 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với năm 2020.
Đổi mới phương thức hoạt động
Tại hội nghị, các DN hội viên đánh giá cao vai trò của Hiệp hội DNNVV trong năm qua. Tuy nhiên, các DN cũng mong muốn Hiệp hội đổi mới phương thức hoạt động; chủ động, nâng cao chất lượng hoạt động về tư vấn, hỗ trợ DN; tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành, các tổ chức khác để triển khai các nội dung hỗ trợ DN của Nhà nước cho các hội viên phát triển hiệu quả và bền vững.
Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh đề nghị, trong định hướng phát triển các hoạt động hỗ trợ DN hội viên, Hiệp hội cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò tham mưu và trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến với nhà nước, chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy về cải cách thể chế; xây dựng các cơ chế chính sách khả thi, phù hợp với nhu cầu, khả năng của cộng đồng DN; tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, phổ biến và triển khai các nội dung hỗ trợ của Nhà nước theo quy định.
Ông Bùi Ngọc Diệp cho biết, qua tổng hợp qua ý kiến của các DN, trong năm 2022, Hiệp hội tiếp tục kiến nghị, đề xuất lên các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét lại chính sách hỗ trợ DN để phục hồi hoạt động sau đại dịch; duy trì chính sách về miễn, giảm tiền thuê mặt bằng đất đai sản xuất kinh doanh, thuế VAT, thuế thu nhập DN đến hết năm 2022. Công tác thanh kiểm tra DN nên chú trọng vào hậu kiểm tra, hướng dẫn chấn chỉnh hỗ trợ DN, tránh tư duy kiểm tra đóng cửa và ngưng hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất.