Nội dung này nhằm đáp ứng chỉ đạo tại Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh Covid-19.
Theo đó, cho phép người khai hải quan được đưa hàng về bảo quản trong 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan và nợ giấy phép, kiểm tra chất lượng tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; được giải phóng hàng và chậm nộp văn bản xác nhận viện trợ hàng hóa nhập khẩu theo quy định trong 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Cơ quan hải quan cũng đã vận dụng tối đa các quy định đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp để đưa vào Thông tư. Người khai hải quan được nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số qua hệ thống cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục hải quan và nộp bổ sung bản chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.
Đó là, chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan phải nộp khi làm thủ tục hải quan để được thông quan hàng hóa. Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu để được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt hoặc không áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng.
Ngay sau khi Nghị quyết 105/NQ-CP được ban hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã xây dựng Thông tư trình Bộ Tài chính về việc áp dụng Điều 50 Luật Hải quan năm 2014 về thủ tục hải quan đối với hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp để thông quan nhanh đối với hàng hóa viện trợ, biếu, tặng từ nước ngoài hoặc hàng hóa do các tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu để ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ, biếu tặng cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố để phục vụ công tác phòng chống dịch, điều trị, khám chữa bệnh.
Mô hình Hải quan thông minh
Ngày 10/9 vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Cẩn đã có những chia sẻ về việc xây dựng mô hình Hải quan thông minh trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, quá trình xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan thông minh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng nhấn mạnh, Tổng cục Hải quan đã xây dựng mô hình Hải quan thông minh, xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030.
"Mô hình hải quan thông minh được xây dựng theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu hướng tự do hóa toàn cầu; áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Hải quan các nước phát triển; các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hành chính Nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử" - ông Cẩn cho hay.
Người đứng đầu Tổng cục Hải quan cho biết thêm, hải quan thông minh là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả.
Đặc biệt, mô hình này thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, mô hình hải quan thông minh gồm các đặc trưng cơ bản: Quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán.
Han (t/h từ TTXVN, Người Lao Động)